"Soi" phí mới Shopee: Lãnh đạo khẳng định 'rẻ' hơn các nước láng giềng!

Chính sách phí mới của Shopee, theo đánh giá, đang ở mức thấp so với mặt bằng chung, đồng thời sàn thương mại điện tử này đặt trọng tâm vào đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng vận hành và cải thiện trải nghiệm người dùng.

Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại Điện tử EBI 2025, chỉ ra xu hướng chuyển dịch từ tăng trưởng quy mô sang phát triển chiều sâu của các sàn thương mại điện tử. Gần đây, các nền tảng lớn như Shopee và TikTok Shop đã công bố một loạt điều chỉnh về chính sách phí. Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, đã chia sẻ về chiến lược của công ty trong bối cảnh mới này.

- Tại sao Shopee đưa ra chính sách phí mới, thưa ông?

Các báo cáo từ nhiều tổ chức đều thống nhất nhận định rằng thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn tiềm năng phát triển lớn. Sau giai đoạn tăng trưởng theo chiều ngang để mở rộng quy mô và thị phần, thị trường hiện nay đòi hỏi các nền tảng cần đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững hơn. Điều này bao gồm việc nâng cao chất lượng vận hành, cải thiện trải nghiệm người dùng nhằm thu hút thêm người tiêu dùng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động cho cả người bán và người mua.

Xét về thị trường bán, tỷ lệ thương mại điện tử trong tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu, cho thấy dư địa phát triển cho người bán còn rất lớn. Dự báo từ Google, Temasek và Bain & Company cho thấy quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể tăng lên từ 90 tỷ USD đến 200 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được mức này, thị trường cần những đầu tư bài bản và định hướng dài hạn, thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng ngắn hạn. Trong đó, việc nâng cấp toàn diện hạ tầng từ công nghệ, logistics đến các chính sách minh bạch và tái cấu trúc phí là điều cần thiết.

Shopee đã và đang đầu tư đáng kể nguồn lực để thúc đẩy hệ sinh thái bán hàng trên nền tảng theo hướng bền vững hơn. Hiện tại, chúng tôi ưu tiên nâng cấp công nghệ, bao gồm tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống vận hành của sàn, giúp người bán tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Người bán được hỗ trợ mạnh mẽ thông qua các chương trình khuyến mãi, quảng cáo qua KOL/KOC, các kênh bán hàng mới như livestream và video, cùng nhiều công cụ và chương trình hỗ trợ khác để phục vụ khách hàng tốt hơn.

- Mức phí khấu trừ của Shopee hiện dao động từ 6,5% đến 15%, công ty đã tính toán như thế nào để áp dụng cho các chủ gian hàng?

Trong giai đoạn đầu phát triển tại thị trường Việt Nam, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử là một khái niệm mới. Vì vậy, Shopee đã nỗ lực xây dựng cộng đồng những nhà kinh doanh bền vững và thành công. Chúng tôi đã đầu tư vào các chương trình khuyến mãi, miễn phí vận chuyển, các công cụ hỗ trợ người bán, các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cũng như các chương trình đào tạo kỹ năng kinh doanh trên sàn, nhằm giúp các nhà bán hàng có được đơn hàng ổn định.

Mức phí hiện tại của Shopee cần được xem xét trong bối cảnh rộng hơn, so sánh với các thị trường thương mại điện tử phát triển trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ, biểu phí của các sàn như Amazon (13%-58%), Mercado Libre (23,5%- 53,5%), Flipkart (12,2% – 38,4%), Tmall/Taobao (7,7%-50%) cho thấy sự khác biệt. Các nền tảng này có các điều kiện kinh doanh và yêu cầu ràng buộc về vận hành khắt khe hơn nhiều đối với người bán, và mức phí của họ phản ánh mô hình vận hành toàn diện, nơi phí không chỉ là khấu trừ mà còn là khoản đầu tư vào chuỗi dịch vụ từ logistics, chăm sóc khách hàng đến quảng cáo và công cụ AI.

Khi đưa ra các chính sách phí, Shopee luôn cân nhắc kỹ lưỡng và lắng nghe phản hồi của thị trường về những tác động có thể xảy ra. Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục đầu tư vào sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam thông qua công nghệ, công cụ, hệ thống logistics, chính sách và các chương trình hỗ trợ, khuyến mãi. Điều này nhằm mang lại cho người tiêu dùng những sản phẩm và dịch vụ nhanh chóng hơn, tốt hơn, với giá cả cạnh tranh hơn, đồng thời giúp người bán phát triển đúng với tiềm năng của ngành tại Việt Nam. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, mức phí của Shopee trong bối cảnh tương quan hiện đang thấp hơn, trong khi mức độ hỗ trợ của sàn dành cho người bán để thích nghi với thị trường là rất lớn.

- Việc khấu trừ thuế thay và bảo mật dữ liệu người dùng theo quy định của cơ quan quản lý tác động như thế nào đến chiến lược tái cấu trúc phí của Shopee?

Từ năm 2025, các quy định pháp lý mới như khấu trừ thuế thay và bảo mật dữ liệu người dùng là những thay đổi lớn đối với toàn bộ thị trường. Việc tuân thủ các quy định pháp lý là nghĩa vụ của mọi doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, và Shopee không phải là ngoại lệ. Chúng tôi tuân thủ và đồng hành với các chính sách, điều chỉnh của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm giúp ngành phát triển bền vững. Điều chúng tôi mong muốn nhất là các chính sách quản lý của Nhà nước được áp dụng một cách đồng nhất và công bằng đối với tất cả các nền tảng thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả các nền tảng xuyên biên giới.

Như đã chia sẻ, việc điều chỉnh cấu trúc phí chủ yếu nhằm phù hợp với bối cảnh phát triển bền vững của thương mại điện tử Việt Nam, giúp chúng tôi duy trì hoạt động của hệ thống, đầu tư vào công nghệ, hạ tầng và hỗ trợ người bán phát triển. Ngoài ra, việc điều chỉnh này sẽ giúp các sàn có đủ nguồn lực để hỗ trợ người mua hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thông qua các chương trình miễn phí vận chuyển, góp phần cùng chính phủ Việt Nam thu hẹp khoảng cách số.

Khi đưa ra bất kỳ thay đổi chính sách nào để đáp ứng bối cảnh phát triển mới, chúng tôi phải dựa trên dữ liệu thị trường, mức độ cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng cho người bán. Nếu người bán phát triển tốt và có lợi nhuận đủ để tái đầu tư, điều đó có nghĩa là hệ sinh thái vẫn đang vận hành đúng hướng.

- Công ty làm như thế nào để ổn định lòng tin của cộng đồng người bán trước các chính sách điều chỉnh?

Các chính sách phí, cũng như bất kỳ chính sách nào khác, đều được cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Số lượng người bán hàng trên Shopee vẫn đang tăng, số lượng đơn hàng và doanh số vẫn phát triển mạnh mẽ, và người tiêu dùng vẫn tiếp tục lựa chọn Shopee. Điều này cho thấy hệ sinh thái thương mại điện tử đang ổn định và nhiều người bán hàng đang rất thành công.

Mặc dù điều chỉnh phí sàn, chúng tôi vẫn duy trì nhiều chính sách hỗ trợ người bán mới, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) để họ có thể thích nghi và phát triển. Chẳng hạn, chúng tôi triển khai nhiều sáng kiến nâng cao năng lực kinh doanh trên sàn và thúc đẩy chuyển đổi số thông qua các chương trình hợp tác từ trung ương đến địa phương. Tiêu biểu là dự án "Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua thương mại điện tử" được khởi động từ tháng 4/2024. Thông qua các lớp đào tạo và tập huấn chuyên sâu, chúng tôi đã kết nối hàng trăm nhà sản xuất, đơn vị cung ứng tại địa phương và các làng nghề truyền thống, giúp họ tiếp cận hiệu quả với môi trường thương mại điện tử, qua đó ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu vượt trội, gấp hơn 20 lần so với trước.

Ngoài ra, Shopee cũng tận dụng thế mạnh sản xuất nội địa của Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ sản xuất địa phương mở rộng thị trường nội địa và vươn ra thị trường quốc tế thông qua thương mại điện tử. Thông qua hệ sinh thái của mình, chúng tôi kết nối chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến kênh bán lẻ, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực. Tính đến nay, Shopee đã hỗ trợ hơn 350.000 SMEs và 1.000 thương hiệu Việt mở rộng ra thị trường ASEAN, thể hiện vai trò cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới.

- Công ty có những chính sách nào hỗ trợ cho những người bán mới, vùng sâu vùng xa để họ linh hoạt hơn trong hoạch định tài chính?

Đối với người bán nhỏ, đặc biệt là các cửa hàng mới hoặc đến từ khu vực vùng sâu vùng xa, Shopee đã và đang triển khai nhiều hình thức hỗ trợ gián tiếp thông qua các chương trình ưu đãi phí dành riêng cho nhóm người bán mới, theo ngành hàng trọng điểm hoặc trong các thời điểm mua sắm cao điểm. Thay vì áp dụng một mức phí cố định cho toàn bộ người bán, chúng tôi thử nghiệm các gói phí linh hoạt hơn, ví dụ như phí theo từng ngành hàng, điều chỉnh phí tùy theo bối cảnh hoặc kết hợp các chương trình khuyến mãi cộng dồn trong những dịp đặc biệt.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh các chương trình ưu đãi định kỳ giúp tăng lượt truy cập và đơn hàng. Điều này có nghĩa là phần phí thu về không giữ nguyên mà được tái đầu tư để tạo thêm cơ hội hiển thị, tiếp cận và chuyển đổi cho người bán. Việc nhiều cửa hàng quy mô nhỏ từng bước mở rộng quy mô, mở thêm chi nhánh hoặc thương hiệu mới là minh chứng cho thấy vòng tái đầu tư này đang vận hành đúng hướng.