
Giảm án bất ngờ cho Trương Mỹ Lan trong phiên phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát!
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 21/4, Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM đã đưa ra phán quyết về vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Bị cáo Trương Mỹ Lan được chấp nhận giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm tù cho tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", giữ nguyên 12 năm tù cho tội "Rửa tiền" và 8 năm tù cho tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Tuy nhiên, do bản án tử hình ở giai đoạn một vẫn có hiệu lực, hình phạt chung mà bà Lan phải chấp hành là tử hình.
Hội đồng xét xử nhận định, dựa trên hồ sơ vụ án và quá trình thẩm vấn, có đủ cơ sở xác định Trương Mỹ Lan nắm giữ phần lớn cổ phần tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB. Vào khoảng tháng 8/2018, Ngân hàng SCB đang trong diện thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý, việc các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là tình trạng nợ xấu kéo dài.
Trong bối cảnh đó, Trương Mỹ Lan đã chủ trì cuộc họp với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và Công ty Chứng khoán Tân Việt, quyết định sử dụng 4 công ty thuộc tập đoàn (An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra) để phát hành 25 lô trái phiếu "khống", không có tài sản đảm bảo. Sau đó, các mã trái phiếu này được chào bán trái phép, huy động vốn từ 35.824 nhà đầu tư, thu về hàng chục nghìn tỷ đồng.
Số tiền huy động được không được sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu mà được Lan và đồng phạm dùng để trả nợ ngân hàng, trả gốc và lãi trái phiếu, chi cho các dự án, chuyển tiền ra nước ngoài và phục vụ mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan, dẫn đến việc mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu. Tính đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và các đối tượng liên quan đã chiếm đoạt hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 nạn nhân.
Ngoài ra, cáo trạng còn chỉ rõ, trong giai đoạn 2012-2022, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 công ty (12 ở Việt Nam và 11 ở nước ngoài) để thực hiện các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam. Tổng cộng có 78 giao dịch chuyển tiền trái phép ra nước ngoài với tổng giá trị 1,5 tỷ USD (tương đương 35.360 tỷ đồng) và 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về với tổng giá trị 3 tỷ USD (tương đương 71.360 tỷ đồng). Tổng số tiền mà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc vận chuyển trái phép qua biên giới lên đến 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng).
Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn bị cáo buộc tội "Rửa tiền" với số tiền 445.747 tỷ đồng, có nguồn gốc từ hành vi tham ô tài sản của Ngân hàng SCB. Để che giấu nguồn gốc và hợp thức hóa số tiền đã chiếm đoạt, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều phương thức "rửa" tiền bằng cách rút tiền mặt rồi chuyển lòng vòng qua hàng trăm tài khoản cá nhân và pháp nhân để sử dụng theo chỉ đạo của Lan.
Hội đồng xét xử khẳng định, Trương Mỹ Lan đóng vai trò chủ mưu trong cả ba tội danh, còn các bị cáo khác là đồng phạm, giúp sức cho Lan thực hiện hành vi phạm tội. Bản án sơ thẩm đã xử phạt đúng người, đúng tội, không có sai sót.
Tuy nhiên, sau phiên sơ thẩm, Tòa cấp cao nhận được thông báo từ Cục Thi hành án về việc đã thu hồi được hơn 8.600 tỷ đồng từ giai đoạn một của vụ án. Đây là một số tiền lớn, và dự kiến có khả năng thu hồi thêm 15.000 tỷ đồng trong tương lai. Các khoản tiền này chưa bao gồm cổ phần, cổ phiếu và các khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân khác phải hoàn trả cho Lan là 21.000 tỷ đồng. Theo bản án sơ thẩm giai đoạn một, số tiền thu hồi được từ cả hai giai đoạn sẽ được ưu tiên sử dụng để thi hành án, khắc phục hậu quả cho các trái chủ. Do đó, Hội đồng xét xử xem xét số tiền đã và dự kiến thu hồi để bồi thường thiệt hại cho các bị hại là một tình tiết mới.
Bên cạnh đó, bị cáo Lan còn có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác như ăn năn hối cải, sử dụng nhiều tài sản cá nhân để khắc phục thiệt hại. Vì vậy, Tòa chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho bà Lan xuống 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", giữ nguyên các hình phạt cho hai tội danh còn lại. Dù vậy, tổng hợp với bản án tử hình đã có hiệu lực ở giai đoạn một, hình phạt chung mà Trương Mỹ Lan phải chấp hành vẫn là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử xác định toàn bộ số tiền chiếm đoạt từ việc phát hành trái phiếu đã được các bị cáo chuyển cho Trương Mỹ Lan sử dụng cá nhân, do đó bà Lan phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại. Tòa tiếp tục kê biên các tài sản của Lan và gia đình có liên quan đến hành vi phạm tội để đảm bảo cho việc thi hành án.
Đối với kháng cáo của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Tòa không chấp nhận và giữ nguyên bản án sơ thẩm 12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 5 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân. Hội đồng xét xử cho rằng ông Văn đã lợi dụng mạng lưới nhân viên để giúp Trương Mỹ Lan phân phối chứng khoán đến khách hàng, chiếm đoạt 28.000 tỷ đồng. Mức án sơ thẩm là phù hợp, và tại phiên phúc thẩm bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ mới.
Tòa cũng bác kháng cáo của bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) do không có tình tiết mới, giữ nguyên hình phạt 10 năm tù, tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân.
Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (chồng của Trương Mỹ Lan), dù không kháng cáo và không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử ghi nhận việc bị cáo đã nộp lại toàn bộ 30 tỷ đồng bị cáo buộc về tội "Rửa tiền" và tiếp tục nộp thêm 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả chung. Tòa phúc thẩm nhận thấy vai trò phạm tội của ông Cơ có phần hạn chế, phụ thuộc vào vợ, nên giảm nhẹ hình phạt từ 2 năm tù xuống còn 1 năm tù, tổng hợp với bản án 7 năm tù ở giai đoạn 1, buộc ông phải chấp hành 8 năm tù.
Đối với 23 bị cáo còn lại, Tòa ghi nhận việc họ đã tích cực khắc phục thêm một phần thiệt hại sau phiên sơ thẩm, một số bị cáo có vai trò thứ yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc có công với cách mạng, nên đã giảm nhẹ một phần hình phạt từ 1 đến 2 năm tù. Trong đó, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái Trương Mỹ Lan) được giảm án từ 5 năm tù xuống còn 3 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".